Công tác tuyên truyền, vận động trong hội viên, nông dân tham gia được các cấp Hội Nông dân tập trung coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị được thông qua nhiều hình thức hoạt động các mô hình, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề, các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Qua việc sinh hoạt các chi, tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đặc biệt là phát động phong trào vận động hội viên, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chủ động học hỏi kỹ năng nghề nghiệp trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, đã có những chuyển biến, nâng cao trong nhận thức, thay đổi tư duy trong sản xuất của hội viên, nông dân coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng sản phẩm; từ sản xuất truyền thống sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao; sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất quy mô lớn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị hàng hóa và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn sản phẩm nông nghiệp…
Trong 03 năm qua, Hội Nông dân thị xã đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với 10 lớp, có hơn 530 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, nổi rõ là: Phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi; quy trình sản xuất rau an toàn, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật độc hại; sử dụng máy dò ngang trong đánh bắt, ứng dụng đèn tiết kiệm điện năng trong khai thác hải sản, không khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; kiến thức tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bao tiêu sản phẩm đầu ra; về chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)…
Phối hợp tổ chức hội thảo, trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, hướng dẫn, trình diễn phát triển các mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong các lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản; từng bước ứng dụng công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học, hữu cơ an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Hội thảo đầu bờ tiết kiệm nước cây lúa quy trình SRI; mô hình rau thủy canh quy mô hộ gia đình; mô hình mô hình trồng chuối sứ nuôi cấy; mô nấm linh chi, vịt siêu thịt; mô hình nuôi dê sinh sản măng tre tứ quý…, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, từng bước ứng dụng công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học, hữu cơ an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn đối với sản phẩm nông nghiệp. Thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đã hỗ trợ cho 228 hộ nông dân vay luân chuyển với tổng số vốn 2,724 triệu đồng để mở rộng quy mô phát triển sản xuất và xây dựng mô hình nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định trong cuộc sống.
Bênh cạnh những kết quả đạt được thì quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế đó là: Công tác tuyên tuyền, quán triệt về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết trong cán bộ, hội viên, nông dân chưa được sâu rộng, nhận thức còn hạn chế; quy mô hộ nông dân sản xuất, còn nhỏ lẻ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát chưa có sự hướng dẫn, giúp đỡ của các ban, ngành, ở địa phương; việc vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi còn nhiều bất cập; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu.
Để khắc phụ những khó khăn, hạn chế trên, thời gian tới Hội Nông dân thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội trong thị xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 19/11/2021 của Thị ủy (khóa XI) và Kế hoạch số 77-KH/HNDT, ngày 22/11/2021 của Ban Thường vụ Hội Nông dân thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) và các văn bản liên quan về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động hội viên, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo diễn đàn của nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Tiếp tục hướng dẫn và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề; tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan học tập, tổ chức giao lưu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm vận dụng nhằm tuyên truyền quảng bá nhân rộng mô hình điển hình ở địa bàn thôn, xã.