Căn cứ Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Thị ủy về việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của thị xã, Ban Thường vụ Thị ủy xác định nội dung trọng tâm, đột phá trong triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024 là “nâng cao hiệu quả trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã” nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Sự cần thiết phải học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế; đảm bảo kỷ cương xã hội
Thứ nhất, Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội là tài sản tinh thần quý báu cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình xây dựng và đổi mới đất nước. Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống, qua đó thể hiện sự ưu việt của chế độ mới.
Thứ hai, thực trạng trong việc thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế ở tỉnh Bình Thuận và thị xã La Gi.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên, về nhận thức và cả thực hành dân chủ, thực hiện pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao, có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng thiếu dân chủ, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng, phát triển quê hương. Do vậy, cần thiết phải quán triệt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội; quán triệt những quan điểm của Đảng ta về nội dung trên. Đồng thời, cùng với việc đánh giá thực trạng, phân tích những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại để đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và phát huy tối đa dân chủ, nhất là dân chủ cơ sở gắn với tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội; đây là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới, phát triển tỉnh Bình Thuận nói chung và thị xã La Gi nói riêng.
Thứ ba, Thực hiện tốt chuyên đề năm 2024 “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội” là nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển toàn diện tỉnh Bình Thuận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đây cũng là việc làm thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tỉnh nhà và thị xã La Gi; phát huy ý thức, trách nhiệm, tâm huyết, tinh thần cống hiến, phát huy dân chủ vì mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Thuận giàu đẹp, thân thiện, nghĩa tình.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội
Nội dung Chuyên đề năm 2024: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội” Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã biên soạn. Nội dung Chuyên đề gồm 60 trang (cả bìa), có 2 phần:
- Phần thứ nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.
- Phần thứ hai: Tỉnh Bình Thuận học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.
Ban Tuyên giáo Thị ủy mạn phép trích lược ngắn gọn một số phần có tính trọng yếu ở phần thứ nhất gửi đến bạn đọc để hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.
- Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ:
Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Người coi dân chủ là thứ quý báu của dân, là một giá trị, một tài sản do nhân dân đấu tranh mà có được cho nên nhân dân phải là chủ và được làm chủ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”.
- Quan niệm của Hồ Chí Minh về vai trò của thực hành dân chủ:
Thứ nhất, thực hành dân chủ khẳng định tính ưu việt của chế độ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Thứ hai, thực hành dân chủ giúp phát huy dân lực: “...thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.
Thứ ba, thực hành dân chủ giúp Đảng lãnh đạo, cầm quyền tốt hơn.
- Quan niệm của Hồ Chí Minh về nội dung thực hành dân chủ:
Thứ nhất, thực hành dân chủ trong các lĩnh vực cơ bản của xã hội: dân chủ trong chính trị, trong kinh tế, trong văn hóa, trong phát triển xã hội, hướng trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, tổ chức thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội cho con người, vì con người.
Thứ hai, thực hành dân chủ trong Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”; muốn thế thì: “Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí”.
- Quan niệm của Hồ Chí Minh về điều kiện thực hành dân chủ:
Thứ nhất, giáo dục ý thức dân chủ và nâng cao năng lực làm chủ cho nhân dân.
Thứ hai, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để đảm bảo dân chủ trong xã hội.
Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong điều kiện Đảng cầm quyền và xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Thứ tư, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.
- Quan điểm của Hồ Chí Minh về tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội
Quan niệm của Hồ Chí Minh về vai trò của pháp chế.
Người đã khẳng định: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”. Phải bảo đảm cho pháp luật được thi hành tốt, thực hiện thật đúng, một cách nghiêm chỉnh nhằm bảo đảm kỷ cương của Nhà nước, trật tự pháp luật, xã hội nghiêm minh.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về nguyên tắc tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội
Thứ nhất, thiết lập và thực hiện “chế độ pháp trị” thống nhất trong phạm vi cả nước.
Theo Người “Toàn thể nhân dân, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng và nghề nghiệp, đều phải giữ gìn trật tự và ra sức ủng hộ chính quyền nhân dân”.
Thứ hai, đề cao vai trò và bảo đảm hiệu lực tối cao của Hiến pháp.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước có giá trị pháp lý cao nhất. Hiến pháp quy định tính chất thể chế chính trị, trong đó đặc biệt là thể chế nhà nước với những quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước. Vì vậy, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Bản Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của đạo luật tối cao của Hiến pháp trong đời sống xã hội, trong quản lý nhà nước, vì một mặt, đã xác định rõ chế độ nhà nước và ghi nhận các quyền cơ bản của công dân; mặt khác, đã khẳng định nguyên tắc tôn trọng Hiến pháp hay nói cách khác là xác lập cơ chế bảo đảm hiệu lực tối cao của Hiến pháp.
Thứ ba, mọi chủ thể phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không có ngoại lệ.
Thứ tư, thưởng phạt nghiêm minh, công bằng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.
Nền pháp chế cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ đòi hỏi phải kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, mà còn phải xử lý công bằng và nghiêm minh đối với tất cả mọi người, bất kỳ ai, bất kể người đó ở cương vị nào, giữ chức vụ gì, không có trường hợp ngoại lệ.
- Quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội
Thứ nhất, pháp chế định hình khuôn khổ của dân chủ, là “công cụ” để bảo đảm dân chủ.
Thứ hai, thực hành dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội.
Như vậy, có thể thấy, giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội có mối quan hệ rất mật thiết; trong đó, các yếu tố tác động qua lại với nhau, quy định và chế ước lẫn nhau được thể hiện từ tư duy lý luận của Hồ Chí Minh, cũng như được minh chứng từ thực tiễn đời sống xã hội của tiến trình vận động của dân chủ hóa để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nước ta.
Mời bạn đọc vào Trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: https:btgtu.binhthuan.dcs.vn - mục Tài liệu – Chuyên đề năm 2024 để nghiên cứu phần thứ hai về thực trạng, nguyên nhân và các nhóm giải pháp để hiểu sâu kỹ hơn nội dung Chuyên đề năm 2024.