Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đã tổ chức 23 lớp/7.008 người tham gia học tập, quán triệt; trong đó có 2.252 đảng viên, chiếm tỷ lệ 96,84% so với số đảng viên triệu tập (cán bộ chủ chốt 220 người). Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thị xã và các phường, xã tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và nhân dân về nội dung Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế thị xã bằng nhiều hình thức; trong đó tập trung thực hiện tuyên truyền trên 2 hệ thống fanpage, youtube và truyền thanh; hằng tháng xây dựng 01 chuyên mục về chuyển đổi số. Ngoài ra, phát thanh 105 tin, bài, phóng sự (tổng thời lượng hơn 900 phút) lồng ghép trong các chương trình phát thanh hằng ngày về kết quả thực hiện Đề án 06; 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, thẻ căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNEID trên hạ tầng mạng xã hội của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã.
Qua đó đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức về ý nghĩa, vai trò của việc chuyển đổi số; ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, từng cơ quan, đơn vị và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thị xã.
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội thị xã, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của thị xã La Gi. Nội dung chuyển đổi số được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thị xã; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố trên địa bàn thị xã; thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực Chuyển đổi số Quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; thực hiện “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại tỉnh Bình Thuận…
Ủy ban nhân dân thị xã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do đồng chí Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng Ban chỉ đạo; bố trí 01 chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) là Quản trị mạng tại Văn phòng HĐND & UBND; 100% cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban và UBND các phường, xã đều có kỹ năng sử dụng tin học căn bản và đều bố trí công chức phụ trách về chuyển đổi số. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các phường, xã có 100% thôn, khu phố có Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với 65 Tổ CNSCĐ trên 65 thôn, khu phố/195 thành viên. Các Tổ CNSCĐ đã được tập huấn bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (nền tảng đào tạo trực tuyến Onetouch do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển) và hướng dẫn cho người dân trên địa bàn thị xã nộp hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tỷ lệ cao.
Hiện nay, đã cung cấp 132 thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến/335 tổng số TTHC của thị xã (58 TTHC một phần và 74 TTHC toàn trình) trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Theo số liệu trong 9 tháng đầu năm 2023, thị xã đã tiếp nhận 2.317 hồ sơ trực tuyến/3.003 tổng số hồ sơ của các TTHC thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ lệ 77,15% (chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng, thi đua khen thưởng, thành lập và hoạt động doanh nghiệp, hộ tịch). Trong đó, có 387/536 hồ sơ dịch vụ công một phần, chiếm tỷ lệ 72,20% và 1.924/2.467 hồ sơ dịch vụ công toàn trình, chiếm tỷ lệ 77,98%. Thực hiện tiếp nhận 22 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích (tập trung lĩnh vực đất đai, thành lập và hoạt động hộ kinh doanh), đã thực hiện trả kết quả 91 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích; đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền số cấp xã ở UBND phường Phước Hội và xã Tân Hải.
Nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân ngày càng được nâng cao
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”.
Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt đến nay công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân trên địa bàn thị xã không ngừng được nâng cao.
Chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương, đất nước, gắn với phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số của thị xã không ngừng toàn diện, đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của tỉnh và cả nước; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân thị xã.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022 về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế,…) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngoài việc thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 13/6/2022 của Ban Thường vụ Thị ủy (khóa XI) về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU; các cơ quan, đơn vị cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, “chuyển đổi tư duy số”, nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tính cấp thiết của chuyển đổi số trong thời đại ngày nay; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số thị xã, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ cộng đồng, chú trọng đúng mức công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, giao tiếp với chính quyền qua môi trường số.