Nhằm ôn lại khoảnh khắc lịch sử, chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Quê hương Hàm Tân – La Gi (23/4/1975 – 23/4/2024); Ban Tuyên giáo Thị ủy xin trích lượt một số nội dung lịch sử địa phương như sau:
“Chuẩn bị cho thời khắc lịch sử, bộ đội địa phương cùng các đội công tác bám sát ấp từ Hiệp Nghĩa (Tân Thuận) đến Hiệp An (Bàu Dòi) vận động nhân dân chuẩn bị nổi dậy giải phóng quê hương; trước đó ta đã vận động một số binh lính và toán cảnh sát đào ngũ tổ chức thành lực lượng tiếp ứng khi có quân ta vào giải phóng.
Đêm 22, rạng sáng 23 tháng 4 năm 1975, lực lượng ta gồm 1 đơn vị bộ đội 460 (trung đội do đồng chí Lê Minh Kỉnh chỉ huy) cùng đội vũ trang công tác xã Tân Thuận do đồng chí Lý Việt Hoa – Bí thư xã ủy chỉ huy – vào đóng cửa ở chùa Bửu Hùng (Tân Thuận) làm chỉ huy sở điều khiển cuộc tấn công và phát động nổi dậy. Ngay đêm đó, ta nắm được 3 trung đội Nghĩa quân, đơn vị nghĩa quân nội tuyến có Bùi Văn A dùng máy truyền tin để số anh em này kêu gọi các trung đội khác ra hàng quân cách mạng và lần lượt 10/12 trung đội đã ra hàng, mang theo vũ khí nộp ngay trong đêm.
Cũng trong đêm 22/4, các toán Phòng vệ xung kích ở Hiệp Trí cùng 1 đơn vị bộ đội địa phương của ta đã dùng M.79 và trung liên tấn công vào Chi khu Hàm Tân trong lúc bọn địch đang hoang mang rút chạy. Sau khi đánh chiếm Chi khu, từ sở chỉ huy ở chùa Bửu Hùng ta phát loa kêu gọi Nhân dân cùng lực lượng cách mạng nổi dậy giải phóng xã ấp mình, đồng thời công bố các chính sách đối với vùng mới giải phóng. Sáng ngày 23/4, cờ Giải phóng và cờ Tổ quốc tung bay từ Hiệp Nghĩa (Tân Thuận) đến Hiệp An (thuộc xã Tân Tiến ngày nay), Nhân dân ra đường hoan hô cách mạng giành thắng lợi.
Từ chiều ngày 22/4/1974 cửa ngõ phía bắc của huyện với các xã Tân Thành, Tân Thuận đã có các lực lượng vũ trang, bộ đội địa phương bám sát, chuẩn bị tấn công. Chi khu Hàm Tân (Tân Hải) không còn liên lạc được với Tiểu khu Bình Tuy và hầu hết quan chức, sĩ quan chỉ huy của quận Hàm Tân bắt đầu rút chạy tán loạn. Hướng từ quốc lộ 1A theo tuyến tỉnh lộ 2 (nay là quốc lộ 55) ngã ba 46 về La Gi, cánh quân chủ lực thuộc Trung đoàn 812 cùng đại đội tăng T.55, đại đội pháo Duyên Hải (Quân đoàn 2) phối hợp với bộ đội địa phương khống chế địa bàn Láng Gòn và sân bay rồi tiến thẳng vào Bộ chỉ huy Tiểu khu, Tòa hành chánh tỉnh Bình Tuy. Đồng thời, chia ra một mũi chọc thẳng xuống La Gi (Phước Hội). Tuy lực lượng địch còn lại khá đông nhưng trong tình trạng hoảng loạn bỏ chạy, tìm đường thoát thân nên không có sự kháng cự nào xảy ra. Trong đám tàn binh bị ta truy kích cuống cuồng chạy dồn ra bờ biển Đồi Dương (Tân Lý), Hồ Tôm, Động Đền… Tên trung tá quận trưởng Hàm Tân Trần Hữu Giao bị bắt tại Đồi Dương và đại tá tỉnh trưởng Trần Bá Thành phải trốn chạy theo đường bộ hướng về Bình Châu (Xuyên Mộc). Lực lượng cơ sở cách mạng đã chớp lấy thời cơ, vận động quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của ngụy quyền như Tòa hành chánh, Tiểu khu Bình Tuy, Ty Cảnh sát quốc gia, Ty Bưu điện và các cơ sở Nhà máy điện, Nhà máy nước, Bệnh viện… duy trì hoạt động để đáp ứng cho yêu cầu sinh hoạt trở lại bình thường.
Dọc tuyến đường tỉnh lộ 2 từ Láng Gòn về nội thị La Gi, có đến hàng trăm xe ô tô các loại và quân dụng của địch bỏ lại ngổn ngang. Dù lực lượng giải phóng đã chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch nhưng vẫn còn một số tàn quân do hoảng loạn, sợ hãi trốn chạy ra các vùng ven không dám ra trình diện. Nhiều cuộc truy quét của lực lượng du kích, dân quân tự vệ kịp thời trấn áp, buộc số tàn quân phải hàng.
Rạng sáng ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn được giải phóng. Bình Tuy là tỉnh cuối cùng của Quân khu 6 và là Tỉnh thứ 21 được giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy ở Bình Tuy nói chung, Hàm Tân nói riêng đã thể hiện tốt việc đón nhận thời cơ thuận lợi, kết hợp chặt 3 mũi tại chỗ, thực hiện tiến công và nổi dậy, nổi dậy để tiến công và sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng địa phương và chủ lực, giữa địa phương và toàn cục. Một cuộc hợp đồng tuyệt đẹp góp phần giải phóng quê hương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
(Tập Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân (1930 – 2005), xuất bản tháng 12/2008, trang số 272 đến 275).