SỰ KIỆN

Thông tin Tuyên giáo

Định hướng nội dung tuyên truyền

Chuyên đề năm

Tài liệu - Đề cương tuyên truyền

TIN LIÊN QUAN

Thị ủy La Gi tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 07-NQ/TU, Kế hoạch số 54-KH/TU và Kế hoạch số 55-KH/TU của Thị ủy (khoá X)

Chiều ngày 19/7/2022, đồng chí Phạm Văn Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy chủ trì Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12/7/2016 của Thị ủy (khóa X) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thị xã đến năm 2020; Kế hoạch số 54-KH/TU, ngày 28/12/2016 của Thị ủy (khóa X) thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 55-KH/TU, ngày 28/12/2016 của Thị ủy (khóa X) thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020.

Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Trọng Nhân – Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã; các đồng chí Thị ủy viên (khóa XI), đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Thị ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã, trưởng các phòng, ban, ngành: Kinh tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phó ban Ban Quản lý các điểm du lịch cộng đồng thị xã, Văn phòng HĐND&UBND thị xã, đại diện cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở.

Đồng chí Phạm Văn Nam – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thị uỷ điều hành hội nghị thảo luận; sau khi nghe các phòng chuyên môn trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các Nghị quyết, Kế hoạch, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng chí Bí thư Thị uỷ kết luận:

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, Kế hoạch số 54-KH/TU và Kế hoạch số 55-KH/TU của Thị ủy (khóa X) trên địa bàn thị xã, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức học tập nghiêm túc, quán triệt đầy đủ các nội dung Nghị quyết số 07-NQ/TU; Kế hoạch số 54-KH/TU; Kế hoạch số 55-KH/TU của Thị ủy (khóa X) cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Qua quán triệt, học tập, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân được nâng lên, phát huy trách nhiệm và tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và phát triển du lịch thị xã. Nhờ đó, tình hình các mặt có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU

Kết quả huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn thực hiện đầu tư toàn thị xã đạt 5.899,44 tỷ đồng, tăng 899,44 tỷ đồng so với mục tiêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TU đề ra (mục tiêu NQ đề ra: 5.000 tỷ); chi đầu tư phát triển trong cân đối chi ngân sách địa phương bình quân hàng năm chiếm 18% (mục tiêu NQ đề ra: 18-20%). Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu của thị xã được quan tâm đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội mà Nghị quyết 07-NQ/TU đã đề ra, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đã quan tâm công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; tích cực phối hợp, tham gia thực hiện tốt các quy định có liên quan làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thị xã. Sau khi thị xã La Gi được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III, thị xã đã tích cực phối hợp Sở Xây dựng lập Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, UBND thị xã đã ban hành kế hoạch xây dựng, phát triển thị xã La Gi hoàn thiện tiêu chí đô thị loại III và hướng đến đô thị loại II.

Việc huy động và sử dụng vốn đầu tư công ngày càng hiệu quả, cơ cấu phân bổ vốn đầu tư công phù hợp với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong các thành phần kinh tế và nhân dân.

Thu hút đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng ngày càng nhiều, đã tập trung đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, có tính kết nối, tạo động lực để phát triển; hạ tầng chuyển tải điện, thủy lợi, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu ngày càng lớn; hạ tầng thương mại, giáo dục - đào tạo tiếp tục được đầu tư, khắc phục tình trạng nợ xây dựng cơ bản.

Phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” tiếp tục được phát huy, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đáng quan tâm: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thị xã nhìn chung còn thiếu, phát triển chưa đồng bộ, tính liên kết giữa các loại hạ tầng chưa cao. Nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp so với nhu cầu; hệ thống kết cấu hạ tầng đến nay nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thị xã. Huy động vốn ngoài ngân sách tuy được quan tâm, song, nhiều dự án tiến độ triển khai thực hiện chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thị xã; việc huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giáo dục, y tế, thể dục, thể thao còn hạn chế; mới chỉ tập trung vào phát triển giao thông nông thôn, điện chiếu sáng ngõ hẻm, các dự án du lịch, cụm công nghiệp, đầu tư các khu dân cư, hệ thống dịch vụ ngân hàng.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do:

Nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và trong nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; một số quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, môi trường,… chưa thống nhất, có mặt chưa phù hợp với thực tế đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong quản lý đầu tư các dự án có lúc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm; chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng so với giá thị trường; thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư có nơi chưa tốt.

Sự đồng bộ trong quy hoạch (đất đai, đô thị, xây dựng…) tuy được tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng nhìn chung trong quá trình triển khai còn chậm, nhất là một số khu vực trung tâm các xã, vùng ven đô thị.

Nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của thị xã, đồng thời tác động tiêu cực đến đời sống của người dân trong vùng dự án.

Trách nhiệm của một số cán bộ, công chức đối với công việc chưa cao, còn ngại khó, đùn đẩy trách nhiệm, làm giảm mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của thị xã.

Kết quả thực hiện Kế hoạch số 54-KH/TU

Công tác huy động kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp được quan tâm thực hiện (Công trình mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá cửa biển La Gi, Dự án Khu đóng sửa tàu thuyền, Khu chuyển tải Sông Dinh; các công trình hạ tầng kinh tế đã xây dựng hoàn thành như: Nâng cấp mở rộng quốc lộ 55; đường Mai Thúc Loan; đường du lịch Tân Bình – Tân Hải; Đường giao thông nông thôn Láng Quao - Suối Le, xã Tân Hải; Đường Nguyễn Thông, xã Tân Bình; đường vào bãi rác thị xã; kè bảo vệ bờ biển Ngãnh Tam Tân tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Kè bảo vệ khu dân cư Phước Lộc – Tân Phước).

Thị xã La Gi đã thực hiện quy hoạch 04 cụm công nghiệp (cụm công nghiệp La Gi, cụm công nghiệp Tân Bình 1, 2 và 3) với tổng diện tích 180 ha.

Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1.369 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra và so với giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 2,1 lần. Đến năm 2021 đạt 1.616 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 160 triệu USD, vượt chỉ tiêu Đại hội 60 triệu USD, vượt 60% (chỉ tiêu ĐH là 100 triệu USD), tăng 86% so với đầu kỳ. Đến năm 2021 đạt 150,863 triệu USD.

Thị xã đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chủ động trong công tác rà soát, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nhiều dự án với quy mô đầu tư lớn được chấp thuận đầu tư và đang hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đáng quan tâm: Sản phẩm các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp còn ít, giá trị thấp; giá trị sản xuất ngành công nghiệp còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của thị xã, chưa góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế thị xã. Hạ tầng các cụm công nghiệp chậm được đầu tư; doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến còn ít, hầu hết có quy mô nhỏ, trình độ tổ chức quản lý thấp; giá trị gia tăng sản phẩm chế biến thấp, phần lớn sản phẩm chế biến thô hoặc sơ chế; chưa nhạy bén trong tiếp cận thị trường, ít tham gia các chương trình xúc tiến, đầu tư; hoạt động xuất khẩu thiếu ổn định. Nguồn vốn khuyến công từ Trung ương, tỉnh và địa phương để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ còn ít, cơ sở khó thụ hưởng, hiệu quả thấp; việc tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư phát triển của các doanh nghiệp còn khó khăn.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp còn yếu, chậm được đầu tư; thực hiện khuyến khích, thu hút kêu gọi các nguồn lực cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp còn bất cập, chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có năng lực, có uy tín.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp trong thị xã có quy mô vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư; nguồn vốn hỗ trợ khuyến công còn hạn chế, khó tiếp cận.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành có mặt chưa tập trung, chưa quyết liệt. Công tác phối hợp giữa các ngành trong thực hiện những mục tiêu phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thị xã còn chưa nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao.

Đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp còn chậm, tư thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung; việc thu hút nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp còn lại còn khó khăn.

Trình độ, năng lực thực tiễn của một số cán bộ, công chức có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng nguồn nhân lực, lao động tại chỗ chưa thật sự đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Kết quả thực hiện Kế hoạch số 55-KH/TU

Lượng du khách đến thị xã tham quan, dã ngoại hàng năm đều tăng; các cơ sở lưu trú phục vụ du khách ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; các dịch vụ phục vụ du lịch tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch du lịch, an ninh trật tự, môi trường, an toàn thực phẩm, các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương được được quan tâm chỉ đạo thực hiện ngày càng tốt hơn.

Hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thị xã (giao thông, điện, nước, viễn thông, dịch vụ vận tải hành khách) và tạo cho môi trường đầu tư thuận lợi hơn.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện; việc xã hội hóa công tác quảng bá nhận được sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật, thực hiện ứng xử trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch, tham gia bảo vệ môi trường thiên nhiên và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ du khách tại các cơ sở kinh doanh du lịch, trong cộng đồng dân cư có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đáng quan tâm: Tốc độ phát triển du lịch trên địa bàn còn rất chậm, một số chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết vẫn chưa thực hiện được hoặc đạt thấp so với kế hoạch. Nhiều dự án du lịch chậm triển khai; công tác đền bù, giải tỏa, giải quyết khiếu kiện của một số dự án du lịch còn kéo dài. Chất lượng dịch vụ du lịch còn thấp, thiếu các điểm vui chơi giải trí, chưa khai thác tốt cảnh quan môi trường và giá trị lịch sử văn hóa để hấp dẫn và lưu giữ du khách. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Quy hoạch du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch một số ngành khác. Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển du lịch; nhận thức của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và một bộ phận nhân dân về vị trí, vai trò phát triển du lịch có mặt còn hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn khó khăn, chưa đồng bộ. Công tác đền bù đất trong dự án gặp nhiều khó khăn.

Cơ chế chính sách kém hấp dẫn, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế, đa số dự án triển khai chỉ mang tính cầm chừng, quyết tâm đầu tư chưa cao.

Do tình hình dịch bệnh Covid – 19 trong năm 2021 diễn ra phức tạp nên đã tác động xấu đến việc thu hút đầu tư và khai thác du lịch.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với phát triển du lịch đôi lúc còn có mặt hạn chế, thiếu tập trung, chưa quyết liệt. Vai trò tham mưu của cơ quan chức năng chưa tốt, tính chủ động chưa cao; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Năng lực một số cán bộ, công chức có mặt chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Công tác quản lý nhà nước sau chấp thuận đầu tư các dự án du lịch có mặt còn bất cập. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch có lúc, có nơi chưa được thường xuyên.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Thị uỷ đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã, các phòng, ban, ngành có liên quan tập trung rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại Hội nghị tổng kết để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và phát triển du lịch thị xã trong thời gian tới.

Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả ngay khi Thị ủy (khóa XI) ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.


Thông báo

Danh mục