SỰ KIỆN

Thông tin Tuyên giáo

Định hướng nội dung tuyên truyền

Chuyên đề năm

Tài liệu - Đề cương tuyên truyền

TIN LIÊN QUAN

LỄ HỘI VĂN HÓA – DU LỊCH DINH THẦY THÍM TẠI THỊ XÃ LA GI

Vài nét giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển

(Nguồn: trích từ ấn phẩm “Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím”, xuất bản năm 2012)

Dinh Thầy Thím thuộc làng Tam Tân, thị xã La Gi, nằm ở phía nam của tỉnh Bình Thuận. Làng Tam Tân (gồm hai xã Tân Tiến và Tân Hải bây giờ) là một làng hình thành khá sớm. Về đặc điểm dân cư, làng Tam Tân được hình thành từ cuối các đời chúa Nguyễn (khoảng giữa thế kỷ XVIII) và cuối triều Nguyễn (1867) với hai nhóm di dân lớn đến từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam Bình Thuận. Do vậy, người Tam Tân vừa có chất cần cù của người miền Trung vừa có nét phóng khoáng của dân Nam Bộ.

Thiên nhiên nơi đây đầy đủ điều kiện để phát triển lâu dài. Song trước mắt, những chủ nhân mới của vùng đất này phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách: bệnh tật và thú dữ. Hơn nữa, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là rừng già thâm u, tĩnh mịch, con người càng nhỏ bé hơn trước thiên nhiên bao la. Trong bối cảnh đó, tìm chỗ dựa tinh thần ở đấng siêu nhiên là điều tất yếu. Đối với những ngươi đi mở đất, xây dựng nơi thờ tự là nhu cầu tinh thần không thể thiếu được. Và, vị thần của làng phải là người có những đặc điểm giống cư dân ở đây: dân di cư tự do, người nghĩa khí rộng lượng, trên hết là biết chữa bệnh cứu người, chia sẻ những khó khăn, sống chan hoà với dân làng, dạy cho dân làng những điều hay, lẽ phải, thuần phục muôn thú. Với điều kiện đó, Thầy Thím là hai nhân vật huyền thoại đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Hình tượng Thầy Thím mau chóng chiếm trọn tình cảm của dân làng và rộng hơn thế nữa. Đó cũng là lý do giải thích tại sao Thầy Thím được xem như Thành hoàng của làng. Bởi trong tâm thức người dân, mọi việc thành công đều có sự trợ giúp của Thầy Thím.

Tôn kính và thờ phụng Thầy Thím là hoạt động văn hoá xuyên suốt của làng Tam Tân. Nhìn vào sự phát triển của Dinh Thầy Thím cũng có thể nhận thấy sự hưng thịnh của làng Tam Tân. Dinh Thầy Thím khởi đầu được xây dựng bằng tranh tre vách đất, phù hợp năng lực của làng Tam Tân lúc bấy giờ. Theo quan niệm người xưa, dinh – đình không đặt nơi hẻo lánh như chùa, song cũng không được gần chợ và gần dân cư. Do vậy, lúc đầu Dinh Thầy Thím được xây dựng ở trong khu rừng Bàu Cái – nằm giữa rừng cây bao la mênh mông màu xanh. Tuy ở xa dân làng nhưng ngôi Dinh đơn sơ ấy lúc nào cũng có người hương khói. Lần hồi cuộc sống khá hơn, người dân không ngừng vun đắp nơi sinh hoạt tinh thần của mình. Các tài liệu vật thể còn lưu lại di tích cho thấy xây dựng Dinh Thầy Thím là quá trình của nhiều thế hệ. Trong giai đoạn đầu, có thể kể đến hai lần xây dựng lớn. Lần đầu là xây dựng Chánh điện vào cuối năm 1879 (năm Tự Đức thứ 32). Nhìn kiểu dáng tứ trụ được chọn lựa kỹ càng từ các danh mộc có trong rừng, được trau chuốt công phu của những tay nghề xứ Quảng, sẽ hiểu được sự lao động cật lực của các bậc tiền nhân. Lần xây dựng thứ hai cách lần trước gần nữa thế kỷ (1924 – năm Khải Định thứ9). Đây là lần tu bổ lớn với nhiều hạng mục: nhà võ ca, nhà Tiền hiền, công trình phụ cùng hàng chục hoành phi, câu đối cổ, hương án,.. Những công trình mới đã làm chho Dinh Thầy Thím mang dáng dấp kiến trúc cung đình, uy nghi và bề thế.

Như vậy, đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Tam Tân có lịch sử khoảng 250 năm và Dinh Thầy Thím được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh được 7 thập kỷ, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá – tinh thần, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng Tam Tân.

Đến hôm nay, Di tích lịch sử - văn hoá Dinh Thầy Thím trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành một trong những lễ hội văn hóa – du lịch của tỉnh Bình Thuận, và là một trong những lễ hội lớn ở phía Nam của đất nước.

Một số thông tin về Dinh Thầy Thím được Nhà nước công nhận

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận công nhận Dinh Thầy Thím là danh lam thắng cảnh của tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 1377 QĐ/UB-BT, ngày 06/12/1993.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật Dinh Thầy Thím vào ngày 27/9/1997 (kèm bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá).

3. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội Dinh Thầy Thím được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào ngày 12/01/2022.

Lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím năm 2023

Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím năm 2023 là một điểm nhấn của thị xã La Gi để hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”.

Ủy ban nhân dân thị xã đã quan tâm và chú trọng đầu tư chu đáo cho Lễ hội năm nay với nhiều hoạt động chào mừng như: thi chạy việt dã, giải đua xe đạp, thi đấu biểu diễn cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật, hội thi chim hót, thi đan lưới mở rộng… hứa hẹn sẽ rất thú vị và nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Ban Tuyên giáo Thị ủy thông tin và trân trọng kính mời toàn thể quý khách gần xa đến tham gia Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím năm 2023.

 


Thông báo

Danh mục