SỰ KIỆN

Thông tin Tuyên giáo

Định hướng nội dung tuyên truyền

Chuyên đề năm

Tài liệu - Đề cương tuyên truyền

TIN LIÊN QUAN

Chuyển đổi từ nhận thức của người dân, doanh nghiệp

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Tại Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết là Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy) xác định “Chuyển đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; mở ra nhiều cơ hội để các địa phương nắm bắt, bức phá vươn lên”.

Theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, Thị ủy La Gi đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 13/6/2022 thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy; trong đó xác định 03 mục tiêu: (1) Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số. (2) Phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thị xã phát triển cao hơn. (3) Đến năm 2030, thị xã La Gi năm trong nhóm 03 huyện, thị xã, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến phường, xã đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tập trung quán triệt, tuyên truyền, ban hành các văn bản triển khai, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thị xã (Đề án 06) góp phần thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn thị xã đạt một số kết quả:

- Việc thực hiện Đề án thí điểm xây dựng chính quyền điện tử được triển khai tích cực. Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Đến nay, đã hoàn thiện, nâng cấp hệ thống mạng LAN, WAN, WIFI, trang thiết bị tại các cơ quan chuyên môn, UBND phường, xã; triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ thông suốt từ cấp xã đến thị xã và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 100% hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện giao dịch tại Bộ phận một cửa được cập nhật vào phần mềm một cửa điện tử, hoạt động thông suốt; đang thực hiện 108 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến; triển khai một số phần mềm quản lý chuyên ngành; 100% thủ tục hành chính được công khai rộng rãi; kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn đạt 98,91%; đăng ký rút ngắn 04 thủ tục hành chính (cấp huyện 03, cấp xã 01); mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết thủ tục hành chính có sự chuyển biến; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4  bước đầu phát huy hiệu quả, hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến tăng dần qua từng năm. Hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị đáp ứng khá tốt yêu cầu phục vụ chính quyền điện tử; cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin bố trí tại Bộ phận một cửa thị xã và phường, xã cơ bản đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

- Các nhiệm vụ của Đề án 06 thuộc trách nhiệm của từng cơ quan, phường, xã được triển khai kịp thời, đúng tiến độ theo lộ trình đề ra. Công tác cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin cá nhân và làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo nguồn thông tin chính xác phục vụ chia sẻ, kết nối dữ liệu thường xuyên được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; cập nhật 128.402 nhân khẩu vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia trong đó có 104.080 nhân khẩu thuộc diện cấp căn cước công dân, đã cấp 96.376 căn cước công dân cho đối tượng từ 14 tuổi trở lên, đạt 92,5%; đã thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân kèm tài khoản định danh điện tử cho 8.352 trường hợp và cấp tài khoản định danh điện tử (đã có căn cước công dân) cho 1.828 trường hợp.

Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính có việc có lúc còn trễ hạn (nhất là trên lĩnh vực đất đai); tỷ lệ hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cấp căn cước công dân và xác thực điện tử còn thấp. Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn khó khăn, lúng túng. Phần mềm Một cửa điện tử thị xã có lúc, mất kết nối dữ liệu nên khó khăn trong quá trình xử lý. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành chạy chưa đồng bộ. Đa số cơ sở khám chữa bệnh chưa trang bị đầu đọc thẻ căn cước công dân nên việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp để triển khai trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa thực hiện được.

Nguyên nhân là do công tác phối hợp kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều khó khăn (về hạ tầng, con người) chưa thường xuyên, chưa quyết liệt nên hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các nội dung Đề án 06 có nơi, có việc chưa thường xuyên, chưa hiệu quả, chưa sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân. Nhận thức, trình độ, điều kiện kinh tế của Nhân dân có mặt còn hạn chế; chưa hình thành thói quen trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Trình độ công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thị xã và Tổ công tác thực hiện Đề án ở cơ sở chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chuyển đổi số thiếu đồng bộ.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó xác định quan điểm “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững; đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế; sự vào cuộc của hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số”.

Có thể thấy, chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan của sự phát triển, tạo ra không gian phát triển mới, giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Những kết quả đạt được thời gian qua còn rất hạn chế so với mục tiêu đề ra “Đến năm 2030, thị xã La Gi năm trong nhóm 03 huyện, thị xã, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số của tỉnh”. Do đó, thời gian tới đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã, các phòng, ban, đơn vị và các phường, xã phải tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ, kiểm tra kết quả thực hiện, đảm bảo lộ trình theo kế hoạch của Ban Thường vụ Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã đề ra. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, phải xác định:

Chuyển đổi số muốn thực hiện được phải tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện chuyển đổi từ nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết, tính cấp thiết và lợi ích từ kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án 06; từ đó, vận động tham gia thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn, đào tạo chuyên ngành nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công và thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số; tính toán, xem xét cân đối bố trí kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chuyển đổi số; hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung công tác chuyển đổi số; phát huy hiệu quả các biện pháp, giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân thao tác các ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cập nhật thông tin vào căn cước công dân gắn chíp, định danh xác thực điện tử... Phối hợp với các sở, ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ để xây dựng chính quyền điện tử tại thị xã. Rà soát các nội dung còn vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để kiến nghị, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết. Tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị, phường xã trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính công khai minh bạch, tiện lợi, tăng tính tương tác, nâng cao mức độ hài lòng của Nhân dân, góp phần cải thiện các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh.


Thông báo

Danh mục